Đã từ lâu mình không còn cảm thấy mặn mà với phim Việt Nam như hồi mười tám nữa. Bởi hiếm có bộ phim nào đủ twist, đủ drama hay đủ sâu sắc khiến mình trầm trồ hay kinh ngạc. Giống như Lê Hồng Lâm đã từng viết “...đã có quá nhiều bộ phim tệ hại, làm người xem có một phản ứng tiêu cực tức thì khi nghe nói về phim Việt: “thà rằng cởi cúc xem chim”...” Ấy vậy mà, với cuốn sách “Cánh chim trong gió” - với một sự tản mạn nhẹ nhàng và đanh thép - chính Lê Hồng Lâm ấy lại “nâng khăn sửa túi” cho phim điện ảnh Việt.
“Cánh chim trong gió” dày gần 300 trang, tập hợp bốn mươi tư bài viết được chia làm ba phần, là tập hợp các bài viết về điện ảnh Việt Nam và điện ảnh nước ngoài. Đọc cuốn sách bạn sẽ được nhìn thấy, được cảm nhận rất nhiều thể loại phim, từ phim chiến tranh, tới phim hài, phim giả tưởng qua lối viết có phần “trực diện” của Lê Hồng Lâm. Chúng là sự giao thoa tổng thể giữa phim Việt Nam và phim nước ngoài, đặt trong bối cảnh của ngành điện ảnh thế giới trước sự thay đổi như vũ bão và sự cạnh tranh khốc liệt trong cái ngành mà “ai ai cũng thể làm “đạo diễn””
“Không chỉ các đạo diễn phim truyền hình, đạo diễn sân khấu, mà cả nhiều ông bầu hài, đạo diễn MV ca nhạc cũng nghiễm nhiên trở thành đạo diễn điện ảnh với những bộ phim chiếu rạp. Nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu thấy điện ảnh đang thời béo bở cũng góp vốn, bỏ tiền làm nhà sản xuất phim.”
Mới tới đây thôi, ta đã thấy được sự “bê bối” và cũng đầy “bế tắc” của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ mở cửa rồi! Nhưng đâu chỉ có thế!
Để một bộ phim thật sự thành công nó cần rất nhiều yếu tố. Những yếu tố đó không chỉ nằm ở giai đoạn sản xuất mà phần nhiều ở giai đoạn xuất bản và tiếp cận công chúng. Làm sao để bộ phim vượt qua được khâu kiểm duyệt mà vẫn giữ nguyên giá trị của nó, làm sao để rating phim cao, làm sao đạt doanh số phòng vé và làm sao để thỏa mãn những nhà quảng cáo đã bỏ tiền đầu tư? Có lẽ, chính vì những yếu tố ấy, việc đem đến những tác phẩm nghệ thuật đắt giá dần trở nên khó khăn, mong manh và yếu ớt.
“Các anh nghệ sĩ chỉ biết méo xệch mồm mà cười nhìn đứa con mình bị cắt mất cái tai, gọi mất cái gót, đôi lúc thiến luôn bộ phận sinh dục chỉ để được sinh ra đời.”
Tuy những bài viết trong cuốn sách được viết khá lâu (12/2016 đổ về trước), nhưng sau khi đọc nó, mình lại thấy yêu hơn cái nền điện ảnh Việt Nam ấy. Nó là sự nỗ lực tổng thể của rất nhiều lớp người đang gắng sức vì sự phát triển nền điện ảnh của nước nhà. Sự cố gắng ấy - dù ít dù nhiều - vẫn là những cố gắng để chúng ta ủng hộ và công nhận. Thật sự, Lê Hồng Lâm đã làm rất tốt đều đó trong cả ba phần của cuốn sách, đặc biệt là với phần 3, khi anh dám vượt ra khỏi khuôn phép của những bộ phim điện ảnh và nói lên tiếng lòng của mình về những vấn đề thường trực của cuốn sống: cạnh tranh, chính trị, môi trường, và chính đạo đức của con người Việt Nam.
Với sự tìm tòi và hiểu biết sâu rộng của tác giả, cuốn sách thật sự giúp người đọc có cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về điện ảnh Việt Nam, tuy nhiên, cũng chính vì điều này, lại là một rào cản lớn đối với độc giả. Ngoài ra, cuốn sách do được tổng hợp từ các bài viết của Lê Hồng Lâm trên trang cá nhân, vì thế mà dù có cố gắng lồng ghép chúng với nhau thì nó vẫn thiếu đi một sự liên kết rõ ràng. Tuy vậy, cuốn sách vẫn thật sự đem đến những kiến thức bổ ích cho người đọc, đặc biệt là với sự am hiểu và những lời bình đắt giá của ông.
-----------------------
Cuốn sách thật sự phù hợp cho những ai yêu thích điện ảnh và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành điện ảnh Việt Nam:
Những bạn đang theo học ngành điện ảnh, đạo diễn phim điện ảnh
Những bạn có mong muốn tìm hiểu về ý nghĩa, cách thức làm phim, giá trị nghệ thuật của những bộ phim điện ảnh trong và ngoài nước
Những bạn chỉ đơn giản là muốn thu về cho mình danh sách những tên phim đình đám của Việt Nam và nước ngoài
Và tất cả những bạn yêu thích “cái hồn”, “cái nghệ thuật” của những đạo diễn làm phim
Bình luận