top of page

KHI CĂN BẬC HAI CŨNG CÓ THỂ LÀ TÊN MỘT CẬU BÉ!

Book review: Giáo sư và công thức toán - Yoko Okawa


Cuốn sách bị mình bắt gặp khi đang nằm buồn bã trong kệ sách Nhã Nam, có thể nó là một cuốn sách khá nổi bật bởi màu xanh navy cực trội, vậy mà thời điểm nó, nó cứ nằm co ro và ủ rũ như vậy. Không dám thể hiện, cũng không dám khoa trương. Một người bạn của mình sau khi đọc tựa sách đã chép miệng nói rằng: “ À chắc cốt truyện lại là một vịgiáo sư dạy toán cho một đứa trẻ dốt toán đúng không ? Mô tuýp điển hình quá mà!” Ấy vậy, mà nó lại chẳng phải thế !



Câu chuyện xoay quanh ba con người kỳ lạ - giáo sư, cô giúp việc và Căn - một người chỉ có thể nhớ được vẻn vẹn đúng 80 phút với chằng chịt giấy nhớ trên người, một cô giúp việc cặm cụi lao động, chăm chỉ vì đứa con và đã bỏ học từ cấp hai và Căn - nhân vật duy nhất có một cái tên cụ thể trong câu chuyện. Câu chuyện ấy vốn chẳng phải bắt đầu từ khi Căn gặp giáo sư, mà bắt đầu từ lúc cô giúp việc bước tới ngôi nhà kì lạ, ngôi nhà mà chẳng người giúp việc nào có thể làm quá 03 ngày với muôn vàn những con số.

“ - Cô đi cỡ giày số mấy ? --- - Cỡ 24, thưa giáo sư. - Ồ, một con số thật hào hoa. Giai thừa của 4.”

Với mình, Căn vốn không phải là nhân vật chính làm nên giá trị của câu chuyện, mà người nắm vai trò này chính là cô giúp việc kia. Một người đã từ lâu vì “ cơm, áo, gạo, tiền “ đã không còn mảy may nhớ tới những kiến thức đã học, cũng chẳng thể nghĩ tới vẻ đẹp của những con số nữa. Và với mình, thực chất cái tên của câu chuyện không phải là “ Giáo sư và công thức toán” mà là những con số thì đúng hơn. Những con số tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đầy ý nghĩa. Nó ý nghĩa theo từng câu chuyện, từng lời kể, hay từng cái ngẩn người của giáo sư toán học nọ. Đó là khi cỡ giày, số điện thoại hay chỉ là một cột mốc bên đường cũng có những ngôn ngữ, cũng có những ý nghĩa độc đáo riêng.


“ - Tổng các ước số của 28 bằng 28. Ồ…. Giáo sư thốt lên rồi tôi viết tiếp vào sau chuỗi lập luận về phỏng đoán Artin: 28=1+2+4+7+14 Số hoàn hảo. Số-hoàn-hảo. Tôi lẩm nhẩm, như đang tận hưởng dư vị của những âm tiết chắc nịch ấy.”

Từ điều đặc biệt của con số 28 tới những cặp số tình bạn, rồi những số nguyên tố đặc biệt và điều đặc biệt của những hình tam giác, tất cả đã đưa người giúp việc ấy bước vào một chân trời mới, một chân trời tri thức mà khó lúc nào cô có thể cảm nhận được. Yoko Ogawa đã rất tài tình trong việc sử dụng nhân vật cô giúp việc làm người kể câu chuyện theo ngôi thứ nhất và cũng là người nắm mạch chuôi của câu chuyện này. Thử hỏi, ai có thể là người thay đổi mạnh mẽ nhất sau khi gặp giáo sư ? Ai là người có sự đối lập rõ nét với ngày ấy ? Và ai có thể đủ trưởng thành và đủ thông thái để hiểu những điều mà giáo sư đã phải trải qua ? - Chỉ có thể là người giúp việc ấy mà thôi ! Câu chuyện sẽ rất hay nếu dành cho những con người yêu thích toán học; bởi sau cuốn truyện này, bạn sẽ càng cảm thấy yêu thích hơn những con số và yêu thích thêm cả những ý nghĩa mà chúng mang lại. Nếu không thích toán lắm nhưng lại muốn thử xem nó có gì đặc sắc thì đừng ngại lật dở vài trang, nhâm nhi một cốc cà phê và tận hưởng những gì mà nó đem lại.

6 views0 comments
bottom of page